Tổng quan du lịch chùa Hương
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng không chỉ bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp mà nó còn mang những ý nghĩa văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng. Đây là một quần thể thắng cảnh rộng lớn với kiến trúc hài hòa ẩn hiện nét văn hóa tín ngưỡng đạo phật linh thiêng.
Năm 1770 khi chúa Trịnh Sâm tuần thú Hương Sơn có đề khắc năm chữ lên cửa Động Hương Tích “Nam Thiên Đệ Nhất Động” (động đẹp nhất trời Nam) và còn rất nhiều những thi nhân tới đây đã đề bút như: Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hồ Xuân Hương,… Du lịch Chùa Hương không chỉ là du lịch văn hóa, phong cảnh mà còn là du lịch tín ngưỡng, tâm linh. Hằng năm nơi đây thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tham quan.
Thời điểm thích hợp du lịch
Thời gian du khách đến Chùa Hương đông nhất là dịp tết cổ truyền. Bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Ngoài dịp lễ hội Chùa Hương thì thời điểm du lịch Chùa Hương lý tưởng nhất chính là vào đầu mùa hạ và mùa thu (khoảng tháng 7 – tháng 10). Chùa Hương vào thời gian này không còn cảnh người người kéo nhau đi lễ chùa đầu năm đông đúc mà thay vào đó là thiên nhiên hữu tình thơ mộng, không gian tĩnh lặng và an yên. Trong đó, tháng 8 đến tháng 10 là lúc hoa súng, hoa lau đua nhau khoe sắc bên dòng sông Yến hiền hòa. Một khung cảnh rất tuyệt vời để du khách vãn cảnh, viếng thăm chùa và chụp ảnh làm kỉ niệm.
Động Hương Tích
Động Hương Tích được xem là Nam Thiên đệ nhất động – động đẹp nhất Việt Nam. Trong động là nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Lối vào động Hương Tích, trên vách đá cao bên trái có khắc năm chữ “Nam thiên đệ nhất động” là của chúa Tĩnh Đô Vương – Trịnh Sâm đặt bút đề tháng ba năm Canh Dần (1770) khi nhà Chúa tuần du Sơn Nam. Trong động, những khối thạch nhũ to nhỏ được người xưa thổi hồn đặt tên theo hình dáng tự nhiên. Trên trần động Hương Tích, rủ xuống chín nhũ đá hình chín con rồng chầu một khối thạch nhũ dưới nền động, gọi là “Cửu long tranh châu”.
Đền Trình
Đền Trình hay còn có tên gọi khác là Ngũ Nhạc Linh Từ, là một ngôi đền cổ nằm bên dòng Yến Vĩ, dưới chân núi Ngũ Nhạc, cách bến đò Yến Vĩ 500m. Muốn đến được đền Trình du khách phải đi đò hơn 10 phút. Theo truyền thuyết kể lại, đền Trình từ xưa là nơi thờ một thần tướng có công đánh đuổi giặc Ân phò vua Hùng Huy Vương.
Chùa Thiên Trù
Theo một số sử ký còn lưu lại có chuyện kể rằng, trong một chuyến tuần thú phương Nam lần thứ hai, Vua Lê Thánh Tông cùng tướng sĩ qua vùng núi Hương Sơn nghỉ lại ở thung lũng núi Lão và cho quân lính thổi cơm ăn. Trong lúc thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, Vua xem thiên văn thấy vùng này ở vào vị trí của sao Thiên Trù (Bếp Trời – một sao chủ về ăn uống) nên nhân đấy nhà Vua đặt tên cho thung lũng này là Thiên Trù.
Nằm ở thung lũng Thiên Trù, Chùa Thiên Trù có niên đại hơn 400 năm (được xây dựng vào năm 1686). Trải qua nhiều năm chiến tranh, chùa bị phá hủy vào năm 1945, di tích còn sót lại của chùa chỉ còn tháp Thiên Thủy và tháp Viên Công. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại theo nguyên bản nhỏ hơn ngôi chùa cũ vào năm 1988.
Một số lưu ý khi đến hành hương
Dù đã có quy định cấm nhưng những người chèo đò vẫn luôn chủ động xin tiền tip từ khách du lịch. Các bạn nên thống nhất trước số tiền tip để tránh bị chủ đò xin quá cao.
Trước khi quyết định thưởng thức món ăn nào đó hay mua một đồ vật nào đó, bạn hãy hỏi giá thật kĩ vì nếu không sẽ “choáng” trước giá cả ở đây.
Nếu bạn đi bằng cáp treo thì sẽ nhanh hơn và đỡ mệt, tuy nhiên lại không đẹp như khi bạn đi bộ lên các bậc thang. Và nếu đi cáp treo bạn cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội được ngắm chùa Giải Oan hay Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn.
Bạn cũng nên chuẩn bị trang phục lịch sự kín đáo vì các quần thể nằm trong thắng cảnh chùa Hương đều yêu cầu mặc đồ lịch sự, trang nghiêm khi ghé thăm.