Điển đến du lịch hè

18/06/2014
Điển đến du lịch hè
Giữa cái nóng oi bức ngày hè, thật tuyệt vời khi mường tượng ta ở đâu đó trên bờ biển. Sải bước dạo trên những bờ cát trắng mịn màng và phía xa xa là một vùng biển bao la với muôn ngàn sóng vỗ. Từng làn gió biển dịu dàng khẽ mơn man làn da, thổi vào hồn du khách thanh âm rì rào của sóng, mùi hương của hải sản tươi ngon vừa nướng vội, tiếng vọng lách tách của đá tan chảy trong những ly cocktail ướp lạnh…

 Đến với biển Nam Trung Bộ là mở ra hành trình với vô tận những khoảnh khắc ngọt ngào dành cho người yêu biển. Biển cả bao la sẽ mang đến cho du khách nhiều địa danh để trải lòng với một trời trong xanh và dòng nước mát để xua tan mọi muộn phiền mà tận hưởng giây phút thư thái.  Nha Trang, Quy Nhơn, Mũi Đại Lãnh, Ninh Chữ, Mũi Né… đều là những cái tên gợi mở về một kỳ nghỉ lý tưởng. Du khách không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn được tìm hiểu về những giá trị văn hóa, và di tích lịch sử nơi đây.

Duyên hải Nam Trung Bộ ôm trong mình những bãi biển đẹp làm đắm say lòng người

 

Từ Ninh Chữ nên thơ

 

Bãi biển Ninh Chữ thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, cách thành phố Phan Rang 6 km về phía đông, được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất của miền Trung Việt Nam vì có thắng cảnh tuyệt đẹp và là một khu du lịch tiềm năng, thu hút nhiều du khách. Với lợi thế trải dài 10 km bờ biển bằng phẳng hình bán nguyệt, nước trong xanh, cát trắng mịn tạo thành những triền cát dài màu vàng nhạt, không khí trong lành, ít sóng, nơi đây mang đến cảm giác yên bình vô cùng trong hành trình về với biển, rất được du khách ưa thích.

Ninh Chữ như viên ngọc sáng trong của biển

Biển Ninh Chữ bao quanh bởi rừng dương và các núi Ðá Chồng, núi Tân An, núi Cà Ðú nên rất thích hợp cho các hoạt động tắm biển, lướt ván, câu cá, du thuyền, leo núi… Bên cạnh đó, Ninh Chữ với khí hậu mát mẻ, nắng ấm quanh năm và vườn dương sát biển khiến du khách đến đây có thể nằm dài trên thảm lá dương để ngắm biển, lặng nghe âm vị của đất trời. Đây cũng là một trong những điểm nhấn đặc biệt, góp phần thu hút du khách của Ninh Chữ.  

Khung cảnh nên thơ và còn giữ nguyên nét hoang sơ rất riêng

Mỗi sáng, mặt trời dần nhô ra khỏi ngọn núi nhỏ đằng đông, nhuộm cả góc trời một tông màu rực rỡ, tương phản hoàn toàn với màn đêm còn sót lại trên bãi biển hay trên những dãy núi đá. Cả vùng biển, vùng núi đá trở nên lung linh dưới ánh mặt trời vừa thực vừa ảo khiến cho Ninh Chữ trở nên tuyệt đẹp, mờ mờ ảo ảo trong làn sương sớm. 

Khoảnh khắc bình yên và đẹp đến không thể quên


Hoang sơ Mũi Đại Lãnh

 

Mũi Điện hay còn gọi là Mũi Đại Lãnh, thuộc thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, do một tướng người  Pháp có tên Varella phát hiện ra, vì thế, trước đây, người ta gọi đó là Cap Varella. Điểm đặc biệt của địa danh này là ở chỗ nó như một ngọn núi, lại giống một hòn đảo vì có một suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền, nhưng thực chất nó lại là đất liền... Đứng từ trên cao, ta sẽ nhìn thấy rõ con suối nước ngọt chảy zíc zắc ra biển. Đây chính là một bể bơi nước ngọt tự nhiên cho những người tắm biển tại bãi Môn.

Mũi Điện là điểm đến thú vị cho người thích trải nghiệm

Để khám phá Mũi Đại Lãnh người ta có thể đi từ phía Nha Trang ngược ra bắc, theo đèo Cả rồi rẽ xuống vịnh Vũng Rô; hay đi từ phía Tuy Hòa men theo con đường biển tuyệt đẹp dài 40 km hướng về phía nam là tới nơi. Nằm dưới chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn yên ả với cát biển trắng phau mịn màng, dòng nước trong xanh mát rượi. Có thể nói biển Mũi Đại Lãnh còn tương đối hoang sơ, ít chịu tác động của con người nên rác thải hầu như không có. Cách đây vài năm, muốn lên ngọn hải đăng phải băng theo con đường mòn qua núi, giờ đây, người ta đã xây dựng xong cây cầu đi bộ băng qua con suối nước ngọt, mở ra cơ hội tiếp cận, khám phá cho du khách yêu thích loại hình du lịch biển.

Đặc biệt, những ai từng một lần đến với Mũi Đại Lãnh chắc chắn sẽ ngạc nhiên, thích thú với nét đặc trưng của địa danh này – nơi đón ánh bình minh đầu tiên, và cũng là điểm trên đất liền gần hải phận quốc tế nhất của Tổ Quốc. Đến đây, bạn có thể leo lên hải đăng để tham quan, đứng trên điểm cực đông của tổ quốc để ngắm nhìn một dải giang sơn cẩm tú. Sau khi tham quan ngọn hải đăng, du khách đi bộ xuống Bãi Môn, đắm mình trong làn nước trong mát để cảm nhận sự ưu đãi của tạo hóa dành cho mảnh đất Phú Yên. Từ bãi Môn phóng tầm mắt, ta có thể ngắm nhìn đỉnh ngọn hải đăng cao vút, bên dưới là những khối đá to chồng dựng đứng lên như một kiệt tác của thiên nhiên. Có khi, du khách cũng có thể mang theo lều bạt để cắm trại qua đêm dưới Bãi Môn để ngắm nhìn Mũi Đại Lãnh về đêm, lung linh huyền hoặc bởi những luồng chớp tạo thành những quầng sáng xa xa trên bầu trời. Giữa màn đêm ấy, hàng trăm ngọn đèn của tàu thuyền đánh cá nhấp nhô trên biển ấy như hòa vào nhau trong điệu vũ hân hoan, kéo dài đến tận chân trời tạo thành dải sáng phân cách giữa bầu trời và biển cả.

Hình ảnh vùng biển tấp nập thuyền bè cũng đẹp lắm thay

Không dừng lại ở đó, vùng duyên hải Nam Trung Bộ còn đưa du khách đến với danh thắng núi Nhạn, sông Đà, núi Đá Bia, thắng cảnh Vũng Rô, gành Đá Đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên). Tiếp đến khách được về Ghềnh Ráng, thăm đầm Thị Nại, Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai, dấu tích cơ sở truyền giáo Nước Mặn và Tiểu chủng viện Làng Sông (Bình Định).

Đừng quên mang theo máy ảnh để ghi lại những khung hình độc thế này nhé

 

… Đến “Nước Mặn”, nơi cội nguồn chữ Việt

 

Hành trình về biển miền Trung không chỉ mang đến cho du khách một vùng biển trời bao la, sóng nước rạt rào mà còn đưa du khách đến những điểm tham quan tuyệt vời, mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo như điểm dừng chân gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan nức tiếng. 

Vẻ đẹp của gành Đá Đĩa

Đá Đĩa không hổ danh là gành biển "độc sầu" thế giới, với những trụ đá ngũ giác xếp khít bên nhau, nghiêng đứng thẫm màu nhìn ra biển Đông. Bữa trưa với đặc sản đầm nước lợ Ô Loan, với các món sò huyết, tôm đất, hàu sữa, cua ghẹ, cá mú... Chắc chắn ai cũng phải tấm tắc gật đầu khen ngon. 

Thưởng thức hải sản tươi ngon là thú vui khi đi biển 

Nổi bật trên con đường "bên núi, bên biển" tuyệt đẹp ấy, tìm về Nước Mặn, nơi phôi thai của chữ quốc ngữ ngày xưa, ngang qua Gò Bồi, quê ngoại của ông vua thơ tình Việt Nam - thi sĩ Xuân Diệu du khách còn được ghé thăm giếng nước ngọt duy nhất từ ngày xưa cho đến bây giờ ở vùng Nước Mặn. Từ giếng nước ngọt này, các thừa sai Dòng Tên đã phụng sự công việc truyền đạo cho người Việt Nam thông qua phương tiện chữ quốc ngữ do cha Francisco de Pina sáng chế và cha Đắc Lộ hoàn chỉnh. Hay tham quan dấu tích nhà in Làng Sông ra đời trước năm 1872 nằm trong tiểu chủng viện Làng Sông với mục đích in ấn giáo lý sau khi chữ quốc ngữ phôi thai. Imprimerie de Làng Sông ngoài sách in bằng tiếng La tinh, tiếng Pháp còn in sách bằng chữ quốc ngữ là một trong 3 nhà in ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Giữa cánh đồng lúa Phước Sơn êm đềm nằm trong vựa lúa Tuy Phước, Tiểu chủng viện Làng Sông vẫn nổi bật với hai hàng cây sao cổ thụ với kiến trúc gothic đẹp lạ lùng…

Chủng viện Làng Sông

Chỉ cần đến duyên hải ven biển Nam Trung Bộ, du khách sẽ thoát khỏi nhịp sống ngày thường và hòa mình vào không gian rất riêng của trời biển, để cảm nhận được tình yêu biển dâng trào như vô vàn sóng vỗ.

Mùa hè đi biển là gợi ý tuyệt vời nhất


Liên kết: Kinh nghiệm du lịch, Dượng Tony, Trên đường băng, Tin tức du lịch

Người đăng

Vietravel

Vietravel

Nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp


Là thành viên từ ngày: 21/02/2014, đã có 29 bài viết