Món Lạp, Lào
Còn gọi là gỏi Lào, được xem như quốc thực của xứ sở Vạn Tượng. Bữa cơm đầu tiên trong năm mới của người dân không thể thiếu món ăn này vì khi phát âm “Lạp” gần giống với “Lộc”, nên nó mamg ý nghĩa là phúc lộc dồi dào và nhiều may mắn. Lạp thường được làm với thịt gà, bò, vịt, gà tây, lợn và cá,.. trộn với nước mắm, nước chanh và các loại rau thơm. Thịt có thể còn sống hoặc đã nấu chín; được bằm nhuyễn và trộn với ớt, lá bạc hà, rau và thính (khao khua) Món ăn này được ăn nguội kèm với cơm nếp và rau sống.
Ở những vùng khách nhau, món Lạp được biến tấu khá đa dạng, như: Lạp pa - được làm từ cá xay trộn với gia vị; Lu- thịt bò sống xay nhuyễn hoặc thịt lợn trộn với tiết và gia vị; Nam tok - thịt được thái lát thay vì bằm nhuyễn, được sau luộc và nướng trong thời gian ngắn.
Cà ri, Campuchia
Cà ri, Món ăn đặc biệt không thể thiếu trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia chính là cà ri. Trong những ngày đầu năm mới, mỗi nhà đều sẽ mang thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên, sau đó cùng người thân trong gia đình.
Không quá cay như cà ri Thái, cà ri ở Campuchia lấy vị cốt dừa làm chủ đạo và không sử dụng bột ớt. Trong khi đó, nguyên liệu chính cũng rất phong phú, như bò, cá, gà kèm với cà tím, đậu đũa, khoai tây, nước dừa tươi, cỏ chanh và kroeung. Món cà ri cso màu vàng bắt mắt, mùi thơm nồng nàn cùng hương vị đậm đà như mong ước của những con người dân dã nơi đây cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Cá và bánh bao, Trung Quốc
Về sự tinh tế trong chế biến món ăn thì top đầu tiên phải kể đến là Trung Quốc. Họ rất coi trọng đến phong tục đặc biệt là những ngày Tết, cho nên bàn tiệc đầu năm của họ cũng có rất nhiều món ăn mang may mắn. Quan trọng nhất trong đó là cá và bánh bao. Hai món ăn này mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, no ấm. Từ “cá” phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ “dư” trong dư dã, bánh bao mang ỹ nghĩa viên mãn, tròn đầy. Về độ biến hóa của các món ăn này thì vô số kể từ hấp, chiên, luộc,… mỗi một vùng là một bản hòa ca tuyệt vời khiến bất cứ du khách nào cũng không thể từ chối. Bên cạnh đó còn có món mì trường thọ và bánh sủi cảo với hình dáng khá giống quan tiền nên cũng được xem như món ăn mang lại may mắn không thể thiếu cho ngày đầu năm.
Canh bánh gạo, Hàn Quốc
Theo phong tục, những gia đình Hàn Quốc trong ngày đầu năm mới sẽ nấu canh Tteokguk để cùng nhau thưởng thức. Lúc này, tất cả thành viên sẽ quây quần bên nhau thưởng thức món canh thơm lừng để cầu mong có được sức khỏe dồi dào và may mắn trong năm mới. Thành phần chính của Tteokguk bánh gạo cắt lát nấu với nước thịt bò, tô điểm bằng những lát thịt mỏng, lòng trắng và lòng đỏ trứng thái sợi. Món canh chế biến từ thanh bánh gạo dài, trắng tượng trưng cho sự trường thọ và nhiều phúc lộc xuất hiện từ thời Josun và đến nay vẫn được sử dụng vô cùng phổ biến.
Do có vị ngọt thanh nên Tteokguk thường sẽ được ăn cùng với kim chỉ cải thảo hoặc kim chỉ củ cải trắng để hấp dẫn và đậm đà hơn.
Yu Sheng, Singapore và Malaysia
Singapore và Malaysia có cùng chung một món ăn truyền thống là món gỏi cá thịnh vượng Yu Sheng. Món ăn được kết tinh từ các loại rau củ quả thái sợi như khoai môn, đu đủ, gừng chua bưởi và cá hồi thái mỏng. Yu Sheng trong tiếng Hoa có nghĩa là dồi dào, dư dả. Người ta sẽ cho thêm cà rốt để cầu may mắn, thêm củ cải, dưa leo mang ý nghĩa trẻ mãi không già, làm ăn thăng tiến, thêm tiêu vào để cầu mong thu hút nhiều tiền tài của cải và rưới dầu lên trên các nguyên liệu để làm tăng lợi lộc.
Mọi người sẽ đứng xung quanh bàn và chúc tụng nhau năm mới vạn sự như ý. Sau đó sẽ cùng tung đảo nguyên liệu 7 lần và la to câu “Lo hei” (cầu may mắn) và cầm đũa xới Yu Sheng lên cao và ước nguyện gặp nhiều may mắn.
Sữa ngựa và bánh bao, Mông Cổ
Tết Tsagaan Sar của Mông Cổ cũng như tết của người Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 3 âm lịch và là một trong hai ngày Tết quan trọng nhất trong cuộc sống của người dân. Món ăn truyền thống của họ là sữa ngựa và các loại bánh làm bằng bột. Tuy nhiên, ngày Tết chúng sẽ được nấu kỹ càng và chăm chút hơn.
Để có món sữa ngựa lên men ngon nhất, họ sẽ cho chúng vào một túi da treo lên cao, mỗi ngày phải lắc đều nhiều lần. Rượu sữa ngựa không được quá lỏng, cũng không quá đặc, uống vào sẽ có vị chua chua của men, vị béo của sữa ngựa, tốt cho tiêu hoá và làn da.Ngoài , với người Mông Cổ, đàn cừu là quan trọng nhất vì đây là nguồn lương thực chính của họ cho nên vào những dịp quan trọng thế này cũng không thể thiếu món banh bao nhân thịt cừu ngon lành để cầu mong năm mới thật no đủ và sung túc.
Osechi, Nhật Bản
Người dân Nhật Bản ăn mừng năm mới vào Tết Dương lịch với Osechi - một loạt món ăn được chế biến công phu mang ý nghĩa may. Tùy từng địa phương, các món ăn trong khay sẽ thay đổi, nhưng chủ yếu vẫn là các món quen thuộc như bánh cá, trứng cuộn, đậu đen, tôm chiên... với ý nghĩa sâu sắc.
Các món ăn sẽ được đựng trong hộp Jubako theo thứ tự từ trên xuống dưới, gồm có:
⋆ Ichi no Ju: là những món ăn Kuromame (đậu đen bung), Kazunoko (trứng cá trích muối), Tazukuri (cá sấy)… thay cho lời chúc năm mới.
⋆ Ni no Ju: là những món ngọt dịu như Kobumaki (rong biển cuộn), Kurikinton (bánh làm từ hạt dẻ), Datemaki (trứng cuộn)…
⋆ San no Ju: những đồ nướng với nguyên liệu hải sản như tôm, cá, mực… tượng trưng cho “Niềm hạnh phúc từ biển”.
⋆ Yo no Ju: là những món kho từ nguyên liệu rau củ như hạt sen, củ sen, nấm, cà rốt,... tượng trưng cho “Niềm hạnh phúc từ núi”.
Bánh chưng, Việt Nam
Đối với người Việt, những chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của đât trời, và lòng biết ơn đối với tổ tiên. Nguyên liệu chính bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong được gói ghém cản thận thành hình ảnh vuông vắn, đầy đặn mang ý nghĩa cát tường và phúc lộc.
Từ lâu, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống của người dân ở mọi miền đất nước và được biến hóa vô cùng đa dạng như bánh chưng ngũ sắc, bánh chưng gấc, bánh chưng cốm,…