Cá lóc nướng trui
Mang nét đặc trưng của vùng sông nước miền Tây, ẩm thực Đồng Tháp còn đậm chất hoang dã, đơn sơ. Mà đầu tiên phải nói đến cá lóc bởi số lượng đáng kể của nó. Cá lóc ở đây được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau như nấu canh chua, kho tộ, hấp rau ngổ… đến làm khô trộn rỏi. Nhưng có một món ăn được chế biến từ cá lóc đơn giản nhất mà ngon nhất chính là nướng trui.
Sau khi cá lóc được chế biến theo lối nướng trui đặc trưng ở miền Tây, bạn chỉ cần gỡ nhẹ từng miếng thịt cá trắng nõn, cuốn lá sen non, chấm mắm me là có thể thưởng thức ngay một đặc sản độc đáo, bắt vị. Ngoài cuốn lá sen non, cá lóc còn có thể cuốn bánh tráng ăn kèm với bún và các loại rau sống khác cũng rất ngon.
Khô gò má cá lóc
Nếu bạn đã quá quen thuộc với khô cá lóc được chế biến từ phần thân cá, thì ở Đồng Tháp còn có một loại khô đặc biệt độc đáo hơn nữa là khô phần gò má của con cá lóc mà bạn chỉ có thể thưởng thức vào rót rượu mừng xuân.
Được biết khô gò má cá lóc ngon là loại được phơi 3 nắng. Má cá lóc được chọn thường là loại cá đen, nặng từ 700/g con trở lên vì thịt của nó ngọt thịt hơn đám lóc môi trề, lóc bông. Cách chế biến cũng không quá phức tạp, nguyên liệu tươi sau khi được xả tanh kỹ lưỡng sẽ được ướp hỗn hợp gia vị gồm: muối, ớt với tiêu giã và rất ít bột ngọt. Sau đó, mang phơi 3 nắng gắt. Tốn 3 ký hàng tươi mới cho ra 1 ký thành phẩm.
Khô gò má cá lóc làm gì ăn cũng ngon từ chiên vàng lửa riu riu, kho tàu, kho tiêu, trộn gỏi đều làm người ăn phải mê mẩn. Theo một số bà nội trợ sành ăn món này ở xứ sen, sơ chế đúng điệu như sau: có thể mang chần sơ nguyên liệu qua nước sôi (sau khi rã đông) hoặc mang hấp cách thủy cỡ 10 phút, để khối thịt gò má cá hoàn nguyên lại thành dạng tươi. Rồi tùy vào độ huyền biến của các bà nội trợ hoặc đầu bếp tận tâm, sẽ phối nên nhiều món ngon dân dã lạ miệng đến quên thôi.
Từng sớ thịt cá khô chắc dẻo, ngọt dịu thật hấp dẫn. Nhón đũa gắp nhúm bông điên điển muối xổi, "câu" thêm chiếc gò má con lóc... nuông chiều, đón ly rượu sen hồng. Người gật gù, kẻ rung đùi như thay lời muốn nói.
Cháo le le
Le le hay còn gọi là vịt trời thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bàu. Thịt le le được cho là ngon và ngọt hơn hẳn vịt nuôi, những con le le lớn nhất nặng chưa đầy nửa 0.5kg.
Người miền Tấy thường có câu: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen”. Cũng giống như vịt, le le có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là nấu cháo.
Cách làm le le cũng giống như làm vịt, chặt thịt thành từng miếng, cánh, giò có thể bằm nhuyễn. Ướp thịt cho thấm các gia vị: tiêu, hành, tỏi, ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu xong phi tỏi mỡ xào chín; đậy kín nắp để lửa liu riu, đợi khi thịt mềm thì nêm nếm vừa ăn. Gắp thịt le le ra, cho thêm nước vào nấu cháo với gạo lúa mùa cùng ít đậu xanh cà vỏ cho sạch. Cháo nhừ nêm nếm lại vừa ăn rồi múc ra tô, thêm gừng xắt chỉ, tiêu xay… Cháo ăn kèm với gỏi bắp cải, chuối ghém xắt, bên trên rải thịt le le, đậu phộng đâm, vài lát ớt và rau răm. Thịt le le chấm nước mắm chanh, đường và không thể thiếu gừng tỏi bằm nhuyễn. Cháo le le được cho là bồi dưỡng cơ thể rất tốt, lại tăng cường “khả năng phòng the” cho quý ông, nên các cánh mày râu rất chuộng.
Nhâm nhi trà nóng với cá khô
Nhâm nhi trà nóng với cá khô là một phong cách ẩm thực khá lạ lẫm, bởi cá khô chỉ đúng điệu khi dùng “đưa cay” cho rượu đế, nhưng đằng này lại “đi” với trà hương vị thanh tao, “bài bản” có vẻ như chọi nhau. Ngon dở tùy khẩu vị nhưng hãy thử một lần có cùng cảm nhận: Nhắm cá khô mằn mặn đậm đà, hớp ngụm nước trà pha lợt lợt theo kiểu miền Nam, bỗng cảm nhận vị nhẫn pha chát nhẹ “đi” tiếp sau vị mặn, hương vị trà thơm át hẳn mùi tanh tanh của cá khô. Cứ như vậy “xô đẩy”, nhấm nháp đồ mặn hoài không thấy khát, uống nhâm nhi mãi mà không thấy nhạt, không bị ngán ngang như ăn kẹo bánh, không thấy “quẹo” lưỡi như trà đậm phong cách miền Bắc. Cứ như thế mà bụng no êm, không cồn cào vì chất trà đặc. Có người nói rằng, phong cách ấy là chút dư vị thời khẩn hoang.
Mắm kho
Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nói đến món mắm kho bởi sự thể hiện đầy đủ nhất cái đặc trưng địa phương vừa đậm đà phong cách vùng đất phương Nam khi trong món này có mặt gần như hầu hết sản vật thiên nhiên nơi đây, từ các loại cá, lươn... kho với mắm cá sặc hoặc mắm cá linh, ăn kèm với các loại rau thiên nhiên như rau đắng, ba khía, kèo nèo, tai tượng, rau choại... đặc biệt là bông súng và hẹ nước là hai loại không thể thiếu. Vừa bổ, vừa ngon, ít tốn kém lại vừa dễ làm, món mắm kho vì vậy với người dân nơi đây vừa đậm đà tình cảm, vừa phảng phất đôi chút tự hào: “Muốn ăn bông súng, mắm kho - Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.
Chưa hẳn các món ăn ở đây đều ngon với mọi người, nhưng nếu có dịp, bạn hãy đến đây để được một lần trải nghiệm nó trong không gian trời nước mênh mông, đậm chất hoang dã của người dân đi mở cõi đất phương Nam để cảm nhận trọn vẹn vị ngon thuần túy này nhé.