Mừng Quốc khánh Việt Nam (02/09/1945 - 02/09/2019)
Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của cả dân tộc, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong các tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong kỳ nghỉ lớn này có rất nhiều hoạt động kỷ niệm, giải trí nghệ thuật thu hút đông đảo người đón xem trên khắp mọi miền đất nước.
Tết Trung thu
Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch hằng năm. Từ lâu nó đã trở thành ngày Tết của trẻ em, bởi dịp này các em thường được người lớn tặng đồ chơi, như là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân... và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Người ta cũng hay tổ chức bày cỗ, trông trăng để đón Trung thu, thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Tại một số nơi còn có màn biểu diễn múa lân, múa sư tử, múa rồng rất hấp dẫn. Mọi người sẽ biếu bánh Trung thu, hoa quả, trà và rượu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác trong dịp này.
Khám phá Tây Bắc tháng 9
Hòa cùng niềm vui giải phóng cả nước, người H’Mông ở Mộc Châu, (Sơn La) đã lập thêm cái Tết Độc lập nữa để thể hiện sự trân trọng nhất. Vào dịp này, người dân bản địa sẽ cùng nhau xúng xính trong những bộ quần áo đẹp, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước.
Ngoài ra tháng 9 cũng là thời điểm đẹp nhất để ghé thăm thác Bản Giốc, vào đổ nước nhiều và trong xanh. Hoặc bạn cũng có thể rong ruổi bên những thửa ruộng bậc thang vào mùa vàng của Tây Bắc. Kéo dài khắp miền sơn cước, nào là những Mù Cang Chải, Chế Cu Nha, Dzế Xu Phình, La Pán Tẩn, lên xa hơn có Sàng Ma Sáo - Bát Xát, Y Tý…
Nồng nàn mùa thu Hà Nội
Thật không ngoa khi nói Hà Nội đẹp nhất khi vào thu. Đến với mảnh đất thủ đô vào tháng 9 bạn sẽ cảm nhận được hương hoa sữa như vấn vít cả một khoảng trời. Bên cạnh đó là cảnh sắc từng hàng lá thay màu, trong khi thưởng thức những hạt cốm làng Vòng thơm ngon và tận hưởng bầu không khí mát mẻ. Vào những ngày cuối thu tháng 9, Hà Nội còn đón chào những bông cúc đủ sắc màu theo chân chuyến xe hoa đạp khắp con phố phường.
Chào đón các mùa hoa rực rỡ
Tháng 9 cũng là tháng của mùa hoa tam giác mạch nở rộ, phủ sắc hồng dịu dàng lên những cánh đồng mênh mông bên chân núi. Từng bông hoa nhỏ xinh, li ti với màu hồng phấn xinh đẹp hòa vào nhau thành cánh đồng lớn, có thể làm say lòng mọi trái tim mỏi mệt nào. Bạn có thể ghé Hà Giang để chiêm ngưỡng khung cảnh lãng mạn đầy nên thơ này một lần.
Nếu loài hoa gắn với mùa thu Hà Nội là hoa sữa, thì ở miền Trung Tây Nguyên hoa dã quỳ chính là thứ làm nên sắc thu đậm chất núi rừng hoang sơ. Loài hoa này thường mọc thành bụi lớn ven đường, cao quá đầu người. Cánh hoa lớn như hoa hướng dương nhưng chỉ có một lớp cánh, màu vàng tươi tắn, sặc sỡ. Dã quỳ thường nở vào tháng 10 – 11, nhưng khoảng tầm cuối tháng 9 chúng ta đã có thể ngắm được ở một số nơi. Chẳng hạn như cung đường: Đà Lạt - làng hoa Vạn Thành - Tà Nung - Thác Voi - Langbiang, Đà Lạt - Liên Khương (theo quốc lộ 20) - Nam Ban - Tà Nung, Đà Lạt - Cầu Đất - Đ’ran - Đơn Dương - Châu Sơn - Phi Nôm - Tu Tra.
Về miền Tây mùa nước nổi thưởng thức đặc sản miệt vườn
Khoảng tháng 8, 9 âm lịch hằng năm, nước từ đầu nguồn sông Mekong lại cuồn cuộn đổ về các tỉnh miền Tây. An Giang và Đồng Tháp là những tỉnh đón nước đầu tiên, rồi sau đó tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang… Khung cảnh miền Tây mùa nước nổi mang một vẻ đẹp hoàn toàn khác biệt so với mùa khô.
Những đàn cá kéo về cùng nước lũ đã mang đến cho người dân nơi đây một nguồn tài nguyên thủy sản khổng lồ. Nhờ đó mà miền Tây cũng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn hơn bao giờ hết với đủ thứ đặc sản hấp dẫn đậm chất dân dã như: cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, lẩu cá linh bông điên điển, gỏi sầu đâu khô sặc... Ngoài ra chúng ta cũng đừng quên ghé qua các địa danh quen thuộc như Đồng Sen Tháp Mười (Đồng Tháp), rừng Tràm Trà Sư (An Giang), làng nổi Tân Lập (Long An) hay chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)...