Mắm sò Lăng Cô trứ danh xứ Huế

04/03/2020
Mắm sò Lăng Cô trứ danh xứ Huế
Lăng Cô không chỉ là phong cảnh nên thơ, bờ biển thoai thoải trở thành bãi tắm lý tưởng mà Lăng Cô còn là nơi có nhiều sản phẩm phong phú, quý hiếm của một vùng đầm phá: tôm, cua, mực, sò... Trong các loài nhuyễn thể này, sò Lăng Cô trở thành món ăn nổi tiếng không nơi nào sánh được.

Khám phá, Ẩm thực, Giải trí, Tham quan, Thưởng thức

 
Hiển thị dạng danh sáchHiển thị dạng lưới
  • Mắm sò đặc sản nổi tiếng của Lăng Cô

    Mắm sò đặc sản nổi tiếng của Lăng CôMắm sò đặc sản nổi tiếng của Lăng CôSlideshow

    Lăng Cô (Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) nổi tiếng với nhiều loại đặc sản tươi sống như tôm, cua, ghẹ, mực, sò lông, sò huyết, vẹm, hầu… nhờ sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng điều kiện tự nhiên biển, đầm phá bao bọc.

    Trong đó, con Sò hay tiếng địa phương gọi là Sặc cũng là một loại đặc sản đầm Lăng Cô tuy không được ưa chuộng sử dụng tươi sống nhiều như các loại đặc sản khác nhưng lại nổi tiếng thơm ngon qua một công đoạn chế biến thành một loại mắm gọi là mắm sò.

    Ở Lăng Cô hiện nay có rất nhiều hộ gia đình có thể tự làm mắm sò nhưng nổi tiếng làm mắm sò có tiếng thơm ngon là gia đình Mệ Cặn với 20 năm làm mắm sò ở ngay ngã ba đường vào chợ Lăng Cô. Theo Mệ Cặn, để làm được mắm sò thì không khó nhưng để có một chai mắm sò thơm ngon, để được lâu đòi hỏi người làm mắm phải hiểu rõ đặc tính của sò và phải có cái tâm.

  • Bí quyết làm mắm sò thơm ngon

    Bí quyết làm mắm sò thơm ngonBí quyết làm mắm sò thơm ngonSlideshow

    Muốn làm mắm ngon và không hư thối, sò chẻ ra phải giữ nguyên ruột. Sò chẻ xong đem sàng cho sạch cát và hết nước đục, để ráo. Theo kinh nghiệm của những người làm sò lâu năm ở Lăng Cô thì không được ngâm sò trong nước quá lâu, vì khi làm mắm sẽ nhanh hư. Cái khéo của người làm mắm là phải cân đong lượng muối phù hợp, sao cho đừng quá mặn mà cũng đừng quá nhạt.

    Để làm mắm, người ta lấy ruột sò, ớt bột, củ riềng, đậu xanh rang và muối (cứ 10 chén sò thì bỏ khoảng 2 chén muối)… trộn đều ở thau rồi cho chúng vào khoảng 2/3 chai, đậy kín lại. Trong khoảng 10 đến 15 ngày nước sò đọng ở đáy chai cỡ 2 lóng tay, thịt sò nổi trên mặt. Bấy giờ mắm đã chín, ta có quyền thưởng thức món ăn đặc sản Lăng Cô.

    Mắm sò múc ra có màu đỏ au, trông rất bắt mắt. Đặc biệt, mắm đặc sệt, còn nguyên ruột sò. Khi ăn, người ta cho thêm các gia vị như đường, bột ngọt, tỏi, ớt băm nhỏ hoặc cho thêm ít đu đủ bào. Mắm sò thơm ngon có thể ăn cùng cơm trắng hoặc làm nước chấm ăn với rau, bún và thịt ba chỉ.

  • Thưởng thức mắm sò đúng cách

    Thưởng thức mắm sò đúng cáchThưởng thức mắm sò đúng cáchSlideshow

    Ảnh: @doiratngon

    Trước khi đưa mắm sò vào bữa ăn, ta thường trộn vào đó các thứ gia vị, nhất là trái vả xắt mỏng hay đu đủ thái sợi, khế, chuối chát... Hương vị mắm sò vốn đã thơm ngon, lại còn thơm ngon hơn khi được tăng cường thêm vị béo của thịt heo.

    Cũng như mắm sặc, mắm thái vùng đồng bằng sông Cửu Long, mắm sò rất thích hợp các loại rau. Cầm từng cuốn rau êm mát trên tay, chấm mắm sò, kẹp miếng thịt cho vô miệng cắn trái ớt xanh cái bụp, nhẩn nha nhai, bảo đảm không còn gì thích thú cho bằng.

    Về Lăng Cô, ghé thăm nhà những người dân nơi đây, chắc chắn du khách sẽ được mời dùng thử mắm sò, món ăn đặc sản vùng đất này. Mắm sò có thể ăn cùng với cơm trắng như một món ăn phụ. Những ngày mưa rả rích, bới chén cơm nóng hổi rồi chan thêm mắm sò, nhai ngấu nghiến ngon hơn bất cứ “cao lương mỹ vị” nào.

Liên kết: Kinh nghiệm du lịch, Dượng Tony, Trên đường băng, Tin tức du lịch
Tổng hợp

Người đăng

Trần Thị Cẩm Nhi

Trần Thị Cẩm Nhi


Là thành viên từ ngày: 27/08/2018, đã có 2035 bài viết