Bánh đậu xanh
Đến Hải Dương ai cũng một lần thưởng thức đặc sản bánh đậu xanh và mang về làm quà cho người thân. Tùy theo khẩu vị, thực khách có thể chọn lựa bánh có độ ngọt khác nhau. Có loại bánh cho thêm bột đậu đỏ, hạt sen hay lạc nhân vào bánh. Bánh đậu xanh Hải Dương có vị thơm, bùi của đậu, chút ngầy ngậy mà không ngán của mỡ lợn, chút ngọt của đường kết tinh và mùi tinh dầu man mát của hoa bưởi.
Cái độc đáo, hấp dẫn của bánh nằm ở những công đoạn vô cùng tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người chế biến. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ, gói giấy bạc thành hộp nhỏ hay gói giấy thấm mỡ thành từng thỏi. Món này thường được dùng khi uống trà tàu hay chè xanh. Trải qua cả trăm năm, hương vị bánh đậu xanh vẫn không bị thay đổi nhiều, trở thành nét văn hóa ẩm thực rất đỗi tự hào của người dân Hải Dương.
Bánh gai Ninh Giang
Vẫn là đỗ xanh, lạc, dừa, mứt bí, vừng, mỡ lợn... nhưng bánh gai Ninh Giang lại có vị riêng không trộn lẫn.Vỏ bánh được làm từ bột nếp hòa với lá gai đã được giã nhuyễn, ánh lên một sắc đen tuyền vô cùng hấp dẫn. Nhân bánh có mùi thơm đặc trưng của đậu xanh bỏ vỏ, vừa xốp, vừa mịn.
Thưởng thức bánh gai cũng phải có “nghệ thuật”, cắn từng miếng nhỏ để vị ngọt tan vào đầu lưỡi. Mùi thơm của lá gai thoang thoảng, tiếng sần sật của mứt bí và mỡ lợn khiến người ta phải chầm chậm nhâm nhi từng chút một.
Bánh đa Kẻ Sặt
Ở Hải Dương hầu như huyện nào cũng có người làm bánh đa nhưng chỉ có bánh đa Kẻ Sặt mới nổi tiếng. Khi ăn, bánh có vị bùi của gạo, xen lẫn vị thơm của lạc, vừng dừa, cùng với vị ấm của gừng tươi sẽ khiến người ăn thấy tê tê đầu lưỡi.
Vải thiều Thanh Hà
Vải thiều Thanh Hà được mệnh danh là “bà hoàng” của các loại vải. Khi mùa hè đỏ lửa cũng là lúc vườn vải nơi đây nhuộm một màu đỏ sậm. Cũng vào thời điểm này, khắp các con đường đổ vào mọi thị trường tiêu thụ lớn đều tràn ngập màu đỏ của vải. Vào độ tháng 5, làng quê Thanh Hà, huyện Nam Thanh, Hải Dương sẽ luôn tấp nập, đông đúc như có hội.
Trái vải thiều Thanh Hà lớn cỡ ngón chân cái, tạo thành chùm, vỏ màu đỏ sậm hơi sần sùi. Bóc vỏ ra, bên trong là một lớp cùi trắng nõn, mọng nước và nhiều trái gần như không có hạt. Khi ăn, vị ngọt dịu mát, thơm của nước vải ngấm tận chân răng. Đặc biệt, mùi thơm của vải khi ăn xong vẫn còn vương vấn mãi.
Bánh lòng
Bánh lòng khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh cáy, chè lam,... bởi vị ngọt dẻo bùi thơm, cay nhẹ của gừng, bỏng gạo, nếp cái hoa vàng, lạc rang và đường quyện lại. Sản vật của vùng đất núi An Phụ dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chỉ cần thử một lần cũng khó có thể quên được.
Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng Hải Dương ngon đặc biệt hơn nhiều nơi khác bởi cách chế biến nước dùng và cá đặc sắc. Cá rô sau khi làm sạch vẩy được bỏ vào nồi nước có nêm chút gia vị rồi luộc sôi, chờ nguội thì gỡ thịt cá ra để riêng. Xương cá được giã nhừ, lọc kỹ rồi cho nước vào nồi nước dùng. Cá dùng chế biến phải đúng cá rô đồng, béo chắc, đủ to để gỡ được khổ thịt ưng ý mà không vụn quá. Rau cải cúc, rau cải xanh hay rau cần phải tươi non, làm sạch rồi cắt khúc đều chằn chặn. Trên bát bún cá, ngoài hành hoa, rau thìa là tươi non thì bao giờ cũng điểm xuyết thêm lớp trứng cá mịn màng, vàng ruộm.
Thưởng thức bát bún cá rô đồng trong ngày đông lạnh giá mới là cái thú. Đó là cảm giác ngồi xì xụp bát bún cá nóng hổi, thìa nước dùng ngọt đậm, thịt cá mềm, ngon trộn lẫn cùng những sợi bún trắng đều tăm tắp khiến thực khách nhớ mãi.
Rươi
Về Tứ Kỳ - Hải Dương mà không thưởng thức những món rươi ở đây thì quả thực là điều tiếc nuối. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, món chả rươi là món dễ chế biến và thơm ngon nhất vùng quê này. Chả rươi được làm theo phương thức gia truyền, thơm lừng hấp dẫn. Món rươi có thể “đánh gục” cả những người có khẩu vị khó tính nhất.