Ngọt ngào những thức bánh miền Tây sông nước

04/09/2019
Ngọt ngào những thức bánh miền Tây sông nước
Miền Tây nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hậu, mến khách và những món ăn dân giã đậm hồn sông nước làm say lòng biết bao du khách khi ghé thăm vùng đất trù phú này. Cùng khám phá những món bánh ngon mà bạn nhất định phải thử khi du lịch miền Tây nhé.

Khám phá, Ẩm thực, Giải trí, Tham quan, Thưởng thức

 
Hiển thị dạng danh sáchHiển thị dạng lưới
  • Bánh cuốn ngọt

    Bánh cuốn ngọtBánh cuốn ngọtSlideshow

    Bánh cuốn ngọt là món ăn phổ biến ở miền Tây sông nước, không giống bánh cuốn mặn nhân thịt băm, nấm mèo, ăn với nem, chả... như miền Bắc. Tùy địa phương, cách làm bánh có thể khác nhau đôi chút, song nguyên liệu cơ bản vẫn là bột gạo tráng mỏng, gói nhân đậu xanh, dừa bào bên trong. Ngoài ra, người ta cũng cần thêm nước cốt dừa, đường, muối, mè rang... Bánh cuốn ngọt thường có màu xanh đẹp mắt nhờ vào lá dứa, mang vị ngọt ngào, bùi bùi, beo béo hấp dẫn.

  • Bánh gan

    Bánh ganBánh ganSlideshow

    Ảnh: cookpad

    Gọi là bánh gan, song thành phần nguyên liệu món ăn không hề có... gan heo. Người ta cho rằng sở dĩ món ăn miền Tây này có tên bánh gan vì bánh thành phẩm khi cắt ra có màu nâu sẫm, kết cấu như miếng gan heo với những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt. Được làm từ trứng vịt, dừa khô, tai vị (hoa hồi), đường... bánh gan có vị thơm ngon, béo ngậy

  • Bánh tai yến

    Bánh tai yếnBánh tai yếnSlideshow

    Với hình dáng độc đáo như chiếc nón úp, bánh tai yến ở miền Tây cũng có khi gọi là bánh nón. Nhiều người lý giải vì bánh giống tổ chim nên mang tên bánh tổ yến, rồi đọc chệch thành bánh tai yến. Bánh làm từ đường, nước cốt dừa, bột gạo, bột năng, sữa... Khi cho bột vào dầu nóng, người chế biến phải thật khéo léo, động tác dứt khoát mới có thể tạo hình bánh. Bạn nên thưởng thức bánh lúc mới chiên xong, vành ngoài còn giòn rụm, trong khi giữa bánh lại mềm mềm, dai dai.

  • Bánh đúc lá dứa

    Bánh đúc lá dứaBánh đúc lá dứaSlideshow

    Bánh đúc lá dứa miền Tây được chế biến từ các nguyên liệu như bột gạo, lá dứa xay nhuyễn, lọc nước... Khi nấu, người ta phải chú ý canh lửa và có kỹ thuật khuấy bột đều tay để cho ra thành phẩm đạt độ dai "đúng chuẩn". Bánh đúc lá dứa sẽ kém ngon nếu không ăn kèm với nước cốt dừa, nước đường thắng, thêm ít mè, đậu phộng rang...

  • Bánh lá mít rau mơ

    Bánh lá mít rau mơBánh lá mít rau mơSlideshow

    Bánh lá mít rau mơ, hay bánh lá mít, bánh nắn lá, bánh lá mơ... là món ăn độc đáo ở miền Tây. Nguyên liệu để làm bánh cần có bột gạo, rau mơ, nước cốt dừa... Một công đoạn đặc trưng trong quy trình chế biến bánh là trét bột bánh lên "khuôn" - vốn là những chiếc lá mít còn nguyên cuống. Bánh sau khi hấp chín được ăn chung với nước cốt dừa béo ngậy, có thể thêm ít đậu phộng rang giòn bùi.

  • Bánh ống lá dứa

    Bánh ống lá dứaBánh ống lá dứaSlideshow

    Bánh ống lá dứa được cho là có nguồn gốc từ món bánh đặc biệt của người Khmer, nay trở thành món ăn quen thuộc ở khắp khu vực miền Tây sông nước. Bánh có màu xanh lá dứa đặc trưng, đẹp mắt, được làm từ bột gạo nếp, dừa nạo... Người ta hấp chín bánh trong những chiếc khuôn hình trụ dài độc đáo, nên món ăn có tên bánh ống lá dứa.

  • Bánh bò thốt nốt

    Bánh bò thốt nốtBánh bò thốt nốtSlideshow

    Về miền Tây, du khách có thể thưởng thức món bánh bò thốt nốt hấp dẫn. Cây thốt nốt khá phổ biến ở khu vực biên giới tây nam đất nước, đem lại nhiều lợi ích, được sử dụng cả trong ẩm thực. Để làm bánh bò thốt nốt, người ta dùng các nguyên liệu chính như bột gạo, bột thốt nốt, đường thốt nốt, nước cốt dừa... Bánh thành phẩm có độ xôm xốp, ngoài vị ngọt ngọt, beo béo còn có hương thơm đặc trưng của đường thốt nốt.

Liên kết: Kinh nghiệm du lịch, Dượng Tony, Trên đường băng, Tin tức du lịch
Tổng hợp

Người đăng

Tran Minh Hieu

Tran Minh Hieu

tay cầm bút, chân đút gầm bàn


Là thành viên từ ngày: 10/10/2018, đã có 603 bài viết