Những món ăn gốc Hoa chinh phục mọi tín đồ ẩm thực Sài Gòn

12/11/2019
Những món ăn gốc Hoa chinh phục mọi tín đồ ẩm thực Sài Gòn
Rất nhiều người gốc Hoa và những con phố người Hoa đã góp phần tạo nên hương vị đặc trưng chỉ riêng người Sài Gòn có được. Mì vịt tiềm, mì sủi cảo, hoành thánh đều là những món ăn của người Hoa di cư đến Sài Gòn và trở thành một phần của nền văn hóa ẩm thực ở đất Sài Thành.

Khám phá, Ẩm thực, Giải trí, Tham quan, Thưởng thức

 
Hiển thị dạng danh sáchHiển thị dạng lưới
  • Cháo Tiều

    Cháo TiềuCháo TiềuSlideshow

    Cháo Tiều là món ăn được người Triều Châu mang đến mảnh đất Sài Gòn từ những ngày rất xưa. Nhìn sơ qua, món cháo Tiều không có gì khác so với cháo lòng của người Việt, cũng đầy đủ các thành phần như cháo trắng, phèo, tim, gan, cật... Tuy nhiên, nó cũng có nhiều điểm khác biệt tạo nên nét đặc trưng riêng của mình.

    Thứ nhất, các thành phần ăn kèm như: gan, tim, cật... tất cả không được luộc chín trước như món cháo lòng mà lại để riêng thành từng phần. Khi có người ăn, chủ quán mới luộc chín thêm lần nữa, khi ăn vừa nóng, vừa dai mềm và có vị ngọt nhẹ của thịt. Bên cạnh đó, trong bát cháo Tiều còn có thêm nấm rơm và mực tươi tạo nên gia vị mới lạ và có vị ngọt rất tự nhiên.

    Ngoài ra, cháo còn được cho thêm nhiều hành lá, tiêu và gừng thái sợi. Tất cả hòa quyện vào nhau đem lại hương vị cay nồng ấm bụng cho người ăn trong những ngày mưa tầm tã ở Sài Gòn. Không chỉ có món cháo thập cẩm, ở đây còn có nhiều loại cháo cho bạn chọn lựa như cháo thịt bằm; cháo nấm; cháo mực... với nhiều hương vị thơm ngon khác nhau.

  • Mì hoành thánh

    Mì hoành thánhMì hoành thánhSlideshow

    Hoành thánh là tên gọi miền Nam, tên khác của nó là vằn thắn hay mằn thắn, là một món ăn gốc Quảng Đông - Trung Quốc. Nhân của hoành thánh làm từ thịt heo, hải sản và rau băm nhỏ, gói lại bằng vỏ bột mì rồi đem hấp chín.

    Ở Sài Gòn, món mì vằn thắn có hoành thánh (sủi cảo) làm từ thịt nạc và tôm tươi, xá xíu thái mỏng, trứng gà luộc, gan lợn, nấm hương, cải xanh, hẹ; sợi mì làm từ bột mì và trứng. Để làm nước dùng, người ta hầm xương gà, xương lợn, cá tầm khô, một số vị thuốc bắc, và vỏ tôm.

  • Mì vịt tiềm

    Mì vịt tiềmMì vịt tiềmSlideshow

    Để làm nên hương vị hấp dẫn cho món ăn thì chú trọng vào khâu chế biến thịt vịt với nước dùng. Thịt vịt được tẩm ướp kĩ lưỡng đem chiên giòn rồi mang đi hầm cùng hạt sen, táo tàu, quế, đinh hương… rồi tiềm trong nồi nước lèo với xương hầm dậy lên cho đến khi chín mềm, mọi thứ đều hài hòa, hương thơm dịu mà không nồng, thịt vịt chín mềm, dậy ngọt mùi thuốc bắc.

    Mì vịt tiềm có lẽ là món ăn phổ biến nhất của người Hoa ở Sài Gòn. Dạo quanh các con phố ở trung tâm thành phố, không khó để thực khách tìm thấy những quán mì vịt tiềm từ bình dân đến sang trọng.

  • Hủ tiếu cá

    Hủ tiếu cáHủ tiếu cáSlideshow

    Hủ tiếu cá là món ăn rất nổi tiếng của người Hoa. Sau khi được sơ chế và lọc thịt, đầu bếp ướp cá với các loại gia vị cho vừa ăn. Khi nấu chỉ cần chờ chín, cho vào tô và mang ra cho thực khách. Đặc trưng của món ăn này là nồi nước lèo. Tuy món ăn gắn với cá, song nước lèo ngoài nấu từ cá còn có xương ống tủy heo nên hương vị có phần thanh ngọt và đậm đà hơn. Món này ăn kèm với xà lách, giá, ớt, chanh và không thể thiếu là nước tương nhé.

    Bát hủ tiếu cá nóng hổi để lên bàn, nước lèo trong veo. Múc muỗng nước lèo cho vào miệng để cảm nhận vị ngọt thanh của nó, miếng thịt cá chắc, béo ngọt xen lẫn vị cay nhẹ của tiêu khiến thực khách thỏa mãn vị giác khi được thưởng thức món ăn ngon. Nếu không thích cá, các bạn có thể thay bằng món hủ tiếu gà, cũng lạ miệng không kém.

  • Chè trà trứng hột gà

    Chè trà trứng hột gàChè trà trứng hột gàSlideshow

    Chè trứng gà trà tàu là một món ăn rất nổi tiếng của người Hoa, giúp an thận bổ phổi, đẹp da, thanh giọng. Trứng gà chín luộc với nước trà chừng 2 tiếng, để liu riu cả tối, sao cho phần lòng trắng bên ngoài đanh lại nhưng bên trong mềm. Xắn một miếng xúc cùng nước trà đen đường, ăn vào bùi ngọt, không tanh, thơm mùi trà, ngậy vị trứng.

    Kỳ lạ, trứng gà nấu chè kiểu này không hề bị tanh, cũng không nghe mùi thuốc Bắc, đủ để thấy trình độ tuyệt vời của chủ quán. Vị béo bùi của trứng hòa quyện với "nước trà" màu đen óng ánh, nóng hổi nước trà, để lại cảm giác khó quên và lạ lẫm

  • Sủi cảo

    Sủi cảoSủi cảoSlideshow

    Sủi cảo hay còn gọi là bánh chẻo, được coi là một phần quan trọng trong nền văn hóa ẩm thực của Trung Quốc rất phổ biến ở Sài Gòn. Sủi cảo gần giống như hoành thánh nhưng lớn hơn. Sủi cảo có loại nhân thịt, có loại nhân chay chỉ có rau, nhưng các quán thường làm nhân hỗn hợp, đôi khi cho thêm tôm. Bạn có thể ăn sủi cảo với nước dùng, thêm mì, hoặc gọi riêng sủi cảo hấp hay chiên để đổi vị. Món ăn phổ biến tại khu vực quận 5, nơi có nhiều người Hoa tập trung sinh sống nhất ở Sài Gòn.

  • Sâm bổ lượng

    Sâm bổ lượngSâm bổ lượngSlideshow

    Sâm bổ lượng (hay chè sâm bổ lượng) cũng là một món ăn có nguồn gốc từ vùng Quảng Đông của Trung Quốc và hiện cũng còn rất phổ biến ở Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cau và Hải Nam. Tên gọi của món ăn này bắt nguồn từ tên gốc là "清補涼”mà âm Hán-Việt đọc là "thanh bổ lượng” nghĩa là nước mát, theo thời gian được đọc trại thành sâm bổ lượng hoặc do người Việt thấy có nhiều vị thuốc quý trong món ăn nên quyết định đổi “thanh" thành “sâm” cho dễ hình dung hơn.

Liên kết: Kinh nghiệm du lịch, Dượng Tony, Trên đường băng, Tin tức du lịch
Tổng hợp

Người đăng

Nhu Nguyen

Nhu Nguyen


Là thành viên từ ngày: 15/08/2018, đã có 778 bài viết