Hòa nhịp cùng những Lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Tây Bắc

26/02/2021
Hòa nhịp cùng những Lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Tây Bắc
Xuân về cũng là lúc khắp các bản làng Tây Bắc bước vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm với nhiều lễ hội lớn nhỏ. Du lịch Sapa mùa này nói riêng và Tây Bắc nói chung, bạn sẽ có dịp được hòa mình vào các lễ hội đặc sắc như Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội cầu an bản Mường, Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội đua thuyền,...

Khám phá, Lễ hội, Mùa xuân, Tham quan, Trải nghiệm

 Ảnh: baolaocai

Các lễ hội mùa xuân ở Tây Bắc rất đặc sắc và được tổ chức gần như cả ngày lẫn đêm. Một số bản nhỏ còn tụ tập cùng tổ chức với nhau để lễ hội thêm phần long trọng. Người già, trẻ nhỏ ai ai cũng đều hân hoan trong các trò chơi dân gian. Du xuân khám phá Lễ hội Tây Bắc dưới đây, du khách sẽ có dịp được “say men tình” trong các điệu múa truyền thống, những vòng xòe, chum vại rượu cần,…
Hiển thị dạng danh sáchHiển thị dạng lưới
  • Lễ hội Hoa Ban

    Lễ hội Hoa BanLễ hội Hoa BanSlideshow

    Ảnh: Thanh Hà

    Hoa Ban là một lễ hội Tây Bắc thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái. Lễ hội Hoa Ban còn được gọi là lễ hội Xên Mường, được tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc. Lễ hội thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui.

    Đến với lễ hội Hoa Ban, du khách sẽ được hòa mình trong không khí nhộn nhịp giữa tiết trời của mùa xuân vùng cao, cùng say đắm trong tiếng pí, tiếng khèn, câu khắp và rộn ràng trong những vòng xòe nồng say lại càng thêm yêu mảnh đất, yêu con người nơi xứ Mường, để rồi khi chia tay miền nơi này trong lòng lại lưu luyến không muốn rời xa.

  • Lễ hội Lồng Tồng

    Lễ hội Lồng TồngLễ hội Lồng TồngSlideshow

    Ảnh: sapalaocai

    Môt trong những lễ hội đặc sắc nhất của dân tộc Tày, Nùng sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là tại Hà Giang chính là Lễ hội Lồng Tồng (Lễ hội Xuống đồng). Lễ hội bắt đầu từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng hằng năm, với mong ước về một năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Lồng Tồng mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực với nhiều nghi thức khá giống với Lễ hội Tịch điền của người miền xuôi.

  • Lễ hội cầu an bản Mường

    Lễ hội cầu an bản MườngLễ hội cầu an bản MườngSlideshow

    Lễ hội cầu an bản Mường là một trong những lễ hội truyền thống rất quan trọng của người Thái ở nhiều tỉnh Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 âm lịch hàng năm, gắn với tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh, được biểu hiện qua tiếng sấm, tức lời phán quyết của vua trời, qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng,… Lễ hội thường kéo dài trong 3 ngày với nhiều nghi thức tâm linh và hoạt động đời sống hàng ngày.

  • Lễ hội Roóng Poọc

    Lễ hội Roóng PoọcLễ hội Roóng PoọcSlideshow

    Lễ hội Tây Bắc Roóng Poọc là hội để cầu mùa, mở đầu cho một năm mới thuận lợi, cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người yên vật thịnh. Đây là một lễ hội truyền thống của người đồng bào dân tộc Giáy được tổ chức ở cánh đồng, nằm bên dòng suối Mường Hoa thơ mộng. Khám phá lễ hội, du khách hòa mình vào không khí vui tươi của lễ hội với nhiều trò chơi dân gian diễn ra rất vui như: thi cày ruộng, bịt mắt bắt dê, đánh đu, kéo co,… người hò người hét, người ghép duyên, khuấy động không gian yên tĩnh giữa đại ngàn.

  • Lễ hội đua thuyền sông Đà

    Lễ hội đua thuyền sông ĐàLễ hội đua thuyền sông ĐàSlideshow

    Ảnh: VOV Tây Bắc

    Lễ hội đua thuyền sông Đà đã có từ lâu đời và thường được khai hội từ khoảng mùng 8 đến mùng 10 tháng giêng tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Lễ hội Tây Bắc này là dịp để người dân các bản làng tụ tập, giao lưu với nhau sau một năm làm việc vất vả. Ngoài hoạt động chính là đua thuyền, trong dịp diễn ra lễ hội, người ta còn tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian và xen kẽ những lễ hội truyền thống khác như lễ hội gội đầu năm mới. Hầu hết, những vận động viên tham dự hội đua thuyền đều là cư dân sinh sống bên lưu vực sông Đà.

Liên kết: Kinh nghiệm du lịch, Dượng Tony, Trên đường băng, Tin tức du lịch, Visa ủy thác Nhật Bản
Tổng hợp

Người đăng

Trần Thị Cẩm Nhi

Trần Thị Cẩm Nhi


Là thành viên từ ngày: 27/08/2018, đã có 2035 bài viết