Phó Bảng, ngôi làng bình dị giữa cao nguyên đá Đồng Văn
Ảnh: @nishechi
Phó Bảng - Đồng Văn là nơi thích hợp với những ai thích tha thẩn cả ngày trên con đường chưa đi đã hết nhưng đi rồi lại chẳng muốn dừng chân. Có lẽ nơi đây không phải là nơi thích hợp với những đoàn đông người hay thích sự ồn ào huyên náo. Khi đã chán cái ồn ào của phố thị thì Đồng Văn sẽ là khoảng lặng để lưu giữ lại những khoảnh khắc mà có lẽ trong cuộc đời sẽ chỉ bắt gặp được một lần duy nhất.
Nơi trải nghiệm “sống khác” dành cho những bạn chán sự… đầy đủ
Ảnh: @zngemie
Ở Phó Bảng không ai quan tâm tháng ngày, cuộc sống cứ yên bình trôi, đến mùa thì trải bạt ra sân phơi ngô, trước của nhà bắc giá để củi... sự tác động của cuộc sống xô bồ ngoài kia dường như không có cơ hội len lỏi tới nơi này. Cuộc sống của người dân nơi đây trở nên nhỏ bé, đơn sơ bên nếp nhà, nép mình bên các hốc đá cao trên triền núi. Người dân ở Phó Bảng chủ yếu là người gốc Hoa, người Mông sinh sống. Dù khắc nghiệt là thế, đường đi lại khó khăn, cứ nghĩ là khó sống lắm, ấy vậy mà nhìn vào những khoảnh khắc như thế này, lại thấy cuộc sống của người dân nơi đây bình yên quá đỗi so với cuộc sống đủ đầy mà tàn nhẫn ngoài kia.
Phó Bảng như một thước phim quay chậm
Ảnh: @redpoppyzuz
Phó Bảng hiện lên trầm lắng như một thước phim nghệ thuật quay chậm với những mái ngói lợp, những vách nhà đất, những hàng rào đá... tưởng chừng như chỉ có ở trăm năm trước thì đến giờ vẫn vẹn nguyên như vậy. Những đứa trẻ quần áo nhem nhuốc nhưng vẫn mang vẻ đẹp trong trẻo, hoang dại như những bông hoa tam giác mạch mong manh mà mạnh mẽ vươn mình trên núi đá cao nguyên.
Con đường lên Phó Bảng quanh co, cuốn hút
Ảnh: @hieu.tong
Trên con đường đến Phó Bảng, bạn còn có thể dừng chân ở một nơi đẹp không kém ngay tại ngã ba Sủng Là, nơi nổi tiếng với ngôi nhà của Pao – bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Khải. Đường vào Phó Bảng, Sủng Là không phải dễ đi. Vào hôm trời mù thì đúng là rẽ mây mà đi, phải rẽ đá mà đến nhưng những gì trả lại sẽ khiến bạn nở một nụ cười tươi vì đã bất chấp tất cả mà tới đây. Tuy nhiên, con đường xuyên suốt Phó Bảng chỉ ngắn như một hơi thở hắt, không đủ dài cho một lần vặn tay ga xe máy hay cái đạp chân ga của ô tô. Đi bộ ở đây cũng phải tự dặn mình không được nhanh được vội nếu không muốn bị hụt hẫng vì chưa đi đã thấy hết đường.
Có lẽ rồi cũng sẽ đến một lúc nào đó, những nơi này sẽ bị cuộc sống hiện đại làm mờ đi nét đẹp thơ mộng mộc mạc như thuở đầu. Cho nên, nhân lúc còn trẻ, nhân lúc còn thời gian, nhân lúc nó còn hoang sơ nhất, hãy một lần tới nơi này, để trầm mình trong không gian và thời gian ngưng đọng...